“Michael đã thắt ống dẫn tinh từ 10 năm trước. Lúc quyết định muốn cùng nhau sinh em bé, anh đã 55 tuổi, còn mình thì 33. Sau nhiều lần đắn đo, chúng mình quyết định nối lại ống dẫn tinh để sinh con, cho bọn trẻ có anh có em. Nhưng hành trình để đón được con về thật sự khó khăn…”, chị Huyền xúc động chia sẻ.
Nhìn thiên thần nhỏ Mila tung tăng chạy nhảy, đôi mắt sáng và nụ cười ngọt ngào, không ai nghĩ ba mẹ và bé đã có hành trình vô cùng gian nan để tìm nhau. Ngày đó, anh Michael (57 tuổi, quốc tịch Úc) cùng vợ từng vượt biên giới nối lại ống dẫn tinh để tìm kiếm hy vọng đón thêm con về nhà.
Nguyễn Thanh Huyền (35 tuổi, Hà Nội) tâm sự đến với nhau khi đã từng trải qua đổ vỡ và có con riêng nên 2 vợ chồng không có ý định sinh thêm con. Tuy nhiên, con trai của chị luôn khao khát có em nên 2 vợ chồng cũng cân nhắc rất nhiều.“Khi suy nghĩ muốn có thêm thành viên trong gia đình, 2 vợ chồng cũng đắn đo, phần vì lúc ấy Michael đã 55 tuổi và anh đã thắt ống dẫn tinh 10 năm rồi, việc có con tự nhiên là rất khó, nhưng nhìn con, hiểu được niềm mơ ước để bọn trẻ có anh có em, lúc ấy trong mình nhen nhóm lên một niềm hy vọng dù biết là mong manh…”.
Năm 2019, ôm hy vọng, chị Huyền cùng chồng đến nhiều bệnh viện trong nước lẫn quốc tế. Khi tham khảo một bệnh viện ở Thái Lan về nhu cầu muốn nối lại ống dẫn tinh, bác sĩ ở Thái có chia sẻ với trường hợp của Michael, khả năng thành công khoảng 20-30%. Một tháng sau khi thăm khám, anh chị quay lại Thái Lan để làm phẫu thuật nối ống dẫn tinh.
Về Việt Nam nghỉ ngơi và chờ đợi tin vui, Michael uống thuốc cải thiện tinh trùng đều đặn, nhưng suốt hơn một năm, chị Huyền vẫn chưa thể mang thai. Nghe lời em dâu đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám và điều trị hiếm muộn, Michael phát hiện bị rối loạn cương dương, làm xét nghiệm không tìm thấy tinh trùng. Bác sĩ chẩn đoán anh thuộc nhóm azoospermia – không có tinh trùng trong tinh dịch, một dạng biến chứng vô sinh nam do tắc ống dẫn tinh sau triệt sản.
Bác sĩ Đặng Tuấn Anh – Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết: ”Trường hợp của anh Michael là một dạng biến chứng vô sinh nam do tắc ống dẫn tinh sau triệt sản. Ở nam giới không có mẫu tinh trùng trong tinh dịch tương đối hiếm và chiếm khoảng 10-15% trường hợp. Azoospermia được chia làm hai loại: azoospermia do tắc nghẽn và không do tắc.”
Sau khi hội chẩn chuyên khoa, bác sĩ kê thuốc bổ sung cho hai vợ chồng và chỉ định làm PESA-ICSI. Bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút mào tinh qua da “bắt” tinh trùng rồi tiêm trực tiếp vào bào tương noãn.
Theo bác sĩ Đặng Tuấn Anh, phương pháp chọc hút mào tinh qua da (PESA) có thể thực hiện được nhiều lần, ít đau, hạn chế xâm lấn, thu tinh trùng đơn giản, bảo tồn được khả năng tình dục sau thủ thuật. Với phương pháp này, bác sĩ chỉ cần một chiếc kim nhỏ có thể lấy được tinh trùng mà không cần phẫu thuật mở màng tinh hoàn và bộc lộ mào tinh.
Tinh trùng thu được di động bình thường, ít bị phân mảnh DNA, ít lẫn máu và xác tế bào nên tỷ lệ tạo phôi thai tốt và có thể giảm tỷ lệ hỏng thai. Khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ nên nhanh hồi phục. Hiện PESA là phương pháp được lựa chọn đầu tiên trong những trường hợp vô tinh trùng do tắc nghẽn.
Tin tưởng vào chỉ định của đội ngũ bác sĩ tại IVFTA, anh Michael tiến hành điều trị. Ngày làm thủ thuật, bác sĩ nhanh chóng tìm thấy tinh trùng di động ở mào tinh hoàn phải của Michael. Nhờ hệ thống vi thao tác và kính hiển vi đảo ngược có độ phóng đại lớn, các chuyên viên phôi học chọn lọc tinh trùng có hình thái và di động tốt bằng kim thủy tinh rồi tiêm trực tiếp vào bào tương noãn. Sau đó trứng được mang nuôi cấy trong LAB thụ tinh ống nghiệm và đánh giá sự phát triển hàng ngày.
“Kỹ thuật ICSI mang lại tỷ lệ thụ tinh thành công cao, đặc biệt đối với những bệnh nhân có số lượng tinh trùng rất ít, tinh trùng thu từ mào tinh hoặc tinh hoàn. Tỷ lệ thụ tinh đạt trên 70% đối với tinh trùng thu từ mào tinh, cao hơn rất nhiều khi so với tỷ lệ thụ tinh bằng kỹ thuật IVF truyền thống”, bác sĩ Đặng Tuấn Anh cho hay.
Kết thúc quá trình PESA-ICSI, gia đình chị Huyền thu được bốn phôi ngày 3, ba phôi ngày 5 và ba phôi ngày 6 trữ đông. Ngày 26/5/2020 sau khi được tư vấn về những nguy cơ và rủi ro khi chuyển nhiều phôi, 2 vợ chồng quyết định chuyển một phôi tốt ngày 5 vào buồng tử cung. May mắn mỉm cười khi sau nhiều khó khăn vất vả, anh chị nhận tin vui hai vạch ngay lần chuyển phôi đầu tiên.
Hài lòng và tin tưởng về chuyên môn và dịch vụ tại BVĐK Tâm Anh, vợ chồng chị quyết định theo dõi thai sản và đăng ký sinh ở đây. Khi thai ngoài 20 tuần, chị kiểm tra và phát hiện bị tiểu đường thai kỳ. Ngày 3 lần tiêm insulin liều cao kèm ăn kiêng khiến chị Huyền rơi vào căng thẳng. Lo lắng thai có vấn đề nên đi đâu cũng cũng mang theo kim tiêm và thuốc bên mình. Hai bên đùi, những vết tiêm chi chít dày lên thêm mỗi ngày.
Tuần thai thứ 37, chị Huyền đến khám thai định kỳ, khi nằm theo dõi với máy monitor, nhịp tim thai được thông báo đập bất thường, chị được chỉ định mổ bắt thai gấp. Nghe tin chị lặng đi, mọi thứ diễn ra quá nhanh, trước đó chị còn hy vọng có thể thuận lợi đón con tròn ngày đủ tháng. Tay chị run run cầm điện thoại nhưng không gọi nổi cho chồng, chị Huyền chỉ nhắn được một câu: “Trường hợp khẩn cấp”.
“Lúc đó mình hoảng lắm, tay run và nước mắt cứ rơi, bác sĩ và nữ hộ sinh thấy mình khóc liền ân cần trấn an và đưa mình đi làm các thủ tục. Mãi lúc sau chồng mới từ cơ quan sang đến bệnh viện…”, Huyền kể.
Sau nửa tiếng, bé gái nặng 3.8kg kháu khỉnh chào đời. Vợ chồng Huyền đón con yêu trong sự ngỡ ngàng xen lẫn hạnh phúc. “Nghe tiếng con khóc, mình như được hồi sinh. Mình thấy hai vợ chồng thật quá may mắn khi đã lựa chọn đúng Tâm Anh. May mắn vì đã kiên trì theo đuổi hành trình “tìm con”, chị cười mãn nguyện.
Những ngày giáp Tết, Huyền cùng chồng con định cư ở Lào, nơi Michael công tác. Trong gian phòng nhỏ tràn ngập tiếng nói cười con trẻ nơi đất khách, Huyền không thôi đau đáu nhớ về quê hương với những kỷ niệm và muôn vàn trải nghiệm thăng trầm mà vợ chồng chị đã cùng nhau chung bước vượt qua. Khép lại hành trình gian nan tìm con với biết bao nhọc nhằn, lo lắng, đớn đau, câu chuyện của chị mở ra niềm tin và hy vọng về một cuộc sống mới. Nơi sự vững tin, kiên trì, nỗ lực luôn được đền đáp bằng quả ngọt xứng đáng.
TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH SẢN IVFTA