“12 năm ròng rã tìm con, có những lần em chắc chắn mình từ bỏ, không chỉ từ bỏ việc làm sao để có con, mà em còn định từ bỏ cả cuộc đời mình.”
Năm 2008, chị Thi kết hôn cùng anh Thuần, cái kết đẹp cho mối tình ngọt ngào từ thời đi học của 2 vợ chồng. Nhưng ngàn lần chị không hề nghĩ con đường hôn nhân của mình lại sẽ trải qua nhiều bước ngoặt như vậy…
Sau gần 1 năm kết hôn, 2 vợ chồng thả nhưng chưa có tin vui, quá nóng ruột, anh chị tìm đến một phòng khám tư nhân ở huyện để kiểm tra. Kết quả siêu âm cho thấy, chị bị tử cung ngả trước nên tinh trùng không thể bơi vào được. “Lúc đó em cũng hoang mang lắm, bác sĩ ở phòng khám nói nhiều từ chuyên ngành nên em cũng không hiểu. Sau đó để chắc chắn em lên Hà Nội khám ở bệnh viện chuyên sản, bác sĩ nói kết quả bình thường, 2 vợ chồng còn trẻ nên về ăn uống tẩm bổ và thoải mái tư tưởng thôi”, chị Thi chia sẻ.
Sốt sắng chuyện có bầu, vợ chồng chị tìm đủ mọi cách, ai chỉ thuốc nào đi cắt thuốc đó, từ Nam ra Bắc đều đi qua, thậm chí chị còn lao vào cúng kiếng giải vận vì thầy bói nói tuổi hai vợ chồng xung khắc. Hơn 2 năm gần như điên cuồng để tìm con, bao nhiêu tiền bạc, công sức đều dồn hết vào đó nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Người ta nói “tre ấm bụi măng sẽ mọc”, khát khao có một đứa con quá lớn nên năm 2010, anh chị quyết tâm đi xin con nuôi. Nhưng gia đình có ý định cho anh chị nhận con nuôi trước đó lại đổi ý, chị tìm đến làng trẻ SOS nhưng giấy tờ lại quá phức tạp, sau đó chị ra Nha Trang xin con nuôi nhưng cũng vướng mắc thủ tục kèm thêm gia đình chồng không đồng ý. Nản lòng, chị gần như buông bỏ.
Thời gian đó chị như một người cuồng tín, bám víu lấy những lời nói của thầy bói để cố an ủi lòng mình “mọi chuyện sẽ tốt thôi”. Uống đủ các loại thuốc trong nam ngoài bắc, đi đến những nơi xa xôi để cầu con, “thầy nói lên núi xuống biển em cũng đi, tiền không có em đi vay ngân hàng, giường ngủ quay tròn đủ hướng thậm chí là đổi giường em đều làm cả.”
Gần 4 năm quay cuồng như vậy, cuối cùng vợ chồng anh chị cũng hoàn tất thủ tục và đón được con nuôi. Có con về, chị vui lắm, lòng cũng bớt nghĩ ngợi. Anh chị vẫn duy trì việc thăm khám định kỳ 6 tháng một lần nhưng vẫn không tìm thấy nguyên nhân hiếm muộn. Câu nói “không vấn đề” lại khiến cho chị cảm thấy bị mất phương hướng, không biết nên làm gì, bắt đầu từ đâu…
Kéo dài đến năm 2016, đó là thời gian chị bế tắc hoàn toàn, tiền bạc cứ trôi như nước đổ bể, khoản nợ lúc đó của 2 vợ chồng lên đến hơn 700 triệu, xung đột với gia đình chồng, áp lực dồn nén, chị quyết định buông tay để chồng có thể đi tìm hạnh phúc mới, cũng là lúc chị quyết định từ bỏ cuộc sống. “Áp lực ăn mòn dần cơ thể lẫn lý trí, lúc đó em lựa chọn tự sát để tự giải thoát mình, may mắn chồng em cứu kịp, nằm trong phòng bệnh nhìn chồng, nhìn con em tự thấy mình ngu ngốc lắm”, chị Thi nhớ lại.
Nhìn lại quãng thời gian 7 năm ấy, sau những chuyện đã qua, chị cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của hôn nhân, của tình yêu mà người bạn đời dành cho chị. Không chỉ một lần chị đưa anh lá đơn ly hôn nhưng người đàn ông ấy vẫn kiên định đồng hành cùng chị, trong những thời khắc chị đau khổ, tuyệt vọng đến cùng cực, ngày chị quyết định tự sát người đàn ông ấy vẫn là sứ giả bảo vệ chị, xoa dịu trái tim đầy vết thương của chị bằng tình yêu chân thành nhất, cứu chị về từ tay tử thần.
Sau đó, vợ chồng chị quyết định gửi con bên nhà ngoại để ra nước ngoài kiếm tiền. Nơi xứ người xa lạ, lúc đó 2 vợ chồng còn chưa biết tiếng nhiều, nhớ nhà, nhớ con, không kiếm được việc, trong 1 tháng đầu 2 vợ chồng tiết kiệm bằng cách cả ngày chỉ ăn một buổi tối, thời gian đó chị sụt cân nghiêm trọng, người còn 32kg, da bọc lấy xương.
Sau 2 năm dần quen với môi trường, có một số người bạn chỉ chị cắt thuốc uống nhưng không có kết quả. Số tiền nợ đã trả được 60%, tích cóp chút ít, 2 vợ chồng quyết định về Việt Nam để tìm con. Sau 3 lần thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung ở Bệnh viện Bưu Điện thất bại, hết vốn anh chị quay lại Trung Quốc làm việc.
Năm 2019, vợ chồng chị lao đầu vào làm việc để kiếm tiền “công việc của 2 vợ chồng kéo dài từ 7h sáng đến 2h đêm, cố gắng tích cóp trả hết nợ và dư chút ít để về tiếp tục điều trị”. Sau đó anh chị về Việt Nam, điều trị ở hai bệnh viện lớn ở Hà Nội về hỗ trợ sinh sản nhưng thất bại: kết quả không được phôi nào.
11 năm, không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, những hy vọng, niềm tin cứ thế trôi tuột qua kẽ tay. Và trái tim ấy lại vô vàn vết xước, chị – người phụ nữ mang trái tim của người mẹ, đang cố gắng một lần được “hoàn hảo” làm mẹ…
Năm 2020, hai vợ chồng quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội, với suy nghĩ đặt hết niềm tin vào bệnh viện “chuyên trị ca khó”, ráng thử thêm một lần cuối để sau này không hối hận.
Từ giai đoạn thăm khám đến chọc hút trứng đều thuận lợi, chị chọc hút được 16 trứng, tạo được 7 phôi ngày 3. Vì không đủ điều kiện chuyển phôi tươi nên chị nghỉ 1 chu kỳ để chuyển phôi trữ, mong mỏi đến ngày chuyển phôi nhưng lần đầu tiên thai lại bị sinh hóa.
Chị biết sức khỏe mình không tốt, sau chuỗi ngày ốm đau nằm viện trước đó chị có vấn đề về gan và dạ dày. Không muốn điều trị thuốc tây, chị tìm đến đông y bấm huyệt trong hơn 3 tháng, sau khi cơ thể ổn định chị nghỉ ngơi thêm 3 tháng nữa mới quyết định chuyển phôi lần 2.
Trong giai đoạn chuẩn bị niêm mạc, bác sĩ phát hiện tuyến giáp của chị có vấn đề, kết quả xét nghiệm nghi ngờ ung thư tuyến giáp. Chị được liên hệ khám với TTUT.TS.BS Hoàng Kim Ước – Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường của Bệnh viện Tâm Anh để thăm khám. “Giây phút đó tôi như sụp đổ, gục ngã hoàn toàn, chân nặng như chì không thể bước nổi, chồng dìu sang gặp bác Ước. Bác khuyên tôi bình tĩnh rồi chỉ định các xét nghiệm, 2 giờ sau quay lại lấy kết quả”, chị kể.
Từ lúc bắt đầu khám với bác Ước xong vợ chồng chị chỉ biết ôm nhau khóc, cám cảnh trong hàng triệu khả năng sao số phận mình lại xui xẻo như vậy, các cô điều dưỡng an ủi rằng tất cả sẽ ổn thôi. “Chồng tôi dìu xuống vườn hoa của bệnh viện để thư giãn, mang cơm cho ăn mà tôi nuốt cơm không vào, anh ấy lại chạy lên tầng 6 mua cháo, dỗ ăn một chút vì cả ngày lấy máu rồi phải ăn cho có sức. Nhìn chồng như vậy nước mắt tôi lại chảy ra, bác bảo vệ thấy thương cũng lại hỏi han, an ủi”, chị Thi nghẹn ngào chia sẻ.
2 tiếng chờ kết quả với anh chị dài như cả thế kỷ, may mắn kết quả không phải ung thư, chị chỉ cần uống thuốc kiên trì bệnh sẽ ổn định. Sau đó bác sĩ kê thuốc uống sau 5 ngày có thể chuyển phôi.
Nút thắt trong lòng được cởi bỏ, chị không suy nghĩ nhiều nữa, đến ngày chuyển phôi chồng chị còn đi xin lộc, xin vía bầu của hai chị gái trong nhà. Sau chuyển phôi chị về nhà ngoại nghỉ ngơi, phụ các chị may quần áo, tâm trạng cũng thả lỏng hơn. Ngày 9 sau chuyển phôi, chị có cảm giác sợ mùi hương, chị em trong nhà khuyên thử que xem sao. Nhớ lúc que thử báo 2 vạch mờ, chị vừa mừng vừa lo gọi người đến lấy máu thử beta. Chiều hôm đó lúc nhận kết quả beta 120, cả gia đình vỡ òa hạnh phúc.
Mang bầu ở tuần thứ 9, chị bị tiểu đường thai kỳ. Dù mệt mỏi nhưng nghĩ đến sinh linh nhỏ đang lớn dần trong bụng, chị tự động viên mình cố gắng. Dù nghén nặng nhưng chị duy trì chế độ dinh dưỡng bác sĩ hướng dẫn, mua máy thử để kiểm tra đường huyết mỗi ngày. Tháng thứ 4 chị bị dọa sảy, chồng chị lo lắng đến quay cuồng tay chân, vội đưa chị lên bệnh viện theo dõi. Đó cũng là giai đoạn Bắc Giang bùng dịch Covid-19 nặng nề nhất, nỗi lo thai nhi trong bụng kèm theo nguy cơ lây bệnh khiến tâm trạng chị lúc nào cũng căng thẳng.
Thai kỳ ở tháng thứ 6, chị bị dọa sinh non, hai vợ chồng khăn gói lên Hà Nội nhưng dịch bùng mạnh không thể đi được nên lưu lại bệnh viện tỉnh, sau đó chị xin về nhà nằm nghỉ dưỡng và nhờ bác sĩ mỗi ngày đến kiểm tra cho đến ngày sinh con.
“Ngày bế con gái yêu trên tay sau một hành trình quá dài và đáng nhớ, vợ chồng tôi biết giấc mơ đã thành hiện thực. Có những lúc tuyệt vọng sợ hãi, chồng tôi luôn nắm tay, trò chuyện và đồng hành cùng vợ. Con gái – một em bé hiểu chuyện sinh ra khỏe mạnh, cất tiếng khóc to dù suýt 2 lần dọa sảy”, chị nói.
“Sinh con vì muốn tạo ra một cuộc đời mới với người mà mình rất đỗi thương yêu, con chính là điều diệu kỳ trong cuộc đời bố mẹ. Vợ chồng tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến tập thể đội ngũ bác sĩ y tá của viện Tâm Anh, đặc biệt các bác sĩ, ý tá và các anh chị ở lễ tân luôn có nhiều sức khỏe để có thể giúp đỡ cho nhiều gia đình sớm đón con yêu về nhà!”, chị Thi tâm sự.
TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH SẢN IVFTA