Các cặp vợ chồng khi điều trị IVF luôn mang trong mình tâm thế hy vọng, mong đợi và xen lẫn lo lắng. Họ luôn đặt ra các câu hỏi về ‘sự an toàn’. Một trong số đó là: liệu có an toàn khi quan hệ tình dục trong và sau khi điều trị IVF?
Một nghiên cứu của Mỹ về IVF và quan hệ tình dục cho thấy, các mối quan hệ vợ chồng trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản có bị ảnh hưởng. Nhiều cặp vợ chồng cho biết, họ dường như lãng quên vấn đề tình dục khi điều trị IVF vì không dám mạo hiểm với giấc mơ có con. Thậm chí nhiều cặp vợ chồng căng thẳng vì lỡ quan hệ tình dục trước khi chuyển phôi và lo lắng điều này sẽ làm giảm cơ hội mang thai thành công. Vậy sự thật là gì?
Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sẽ trải qua nhiều giai đoạn và kéo dài trong khoảng thời gian nhất định. Tùy vào từng giai đoạn sẽ có những khuyến nghị khác nhau về “chuyện yêu” của vợ chồng.
Hai vợ chồng hoàn toàn có thể quan hệ ở trong giai đoạn này, tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo nên sử dụng các biện pháp tránh thai hàng rào (như bao cao su) tránh nguy cơ đa thai khi trứng rụng bất ngờ.
Quá trình dùng thuốc kích thích là kích thước buồng trứng to ra vì sự phát triển của nhiều nang trứng. Gần ngày chọc hút, các cặp vợ chồng có thể kiêng giao hợp vì có thể gây vỡ nang trứng hoặc nguy cơ xoắn buồng trứng.
Sau chọc hút trứng, bác sĩ thường khuyến nghị nên kiêng quan hệ trong vòng 2 tuần hoặc cho đến khi có kinh lại. Chọc hút trứng là thủ thuật có xâm lấn và có thể gây đau cho chị em. Việc quan hệ sau khi chọc hút trứng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau thủ thuật.
Việc chuẩn bị nội mạc tử cung không ảnh hưởng đến việc quan hệ của hai vợ chồng. Giảm căng thẳng và thúc đẩy sự thư giãn luôn được khuyến nghị trong quá trình điều trị sinh sản. Trải nghiệm “cực khoái” mang lại lợi ích về nội tiết tố và sinh sản, bao gồm cả việc giải phóng “hormone tình yêu” oxytocin.
Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu, sự hiện diện của tinh dịch trong cơ quan sinh sản của phụ nữ có thể có lợi cho quá trình cấy và phát triển phôi. Cả cổ tử cung và niêm mạc tử cung đều phản ứng với sự tồn tại của tinh dịch. Việc giao hợp trong một chu kỳ IVF có khả năng cải thiện tỷ lệ mang thai do tiếp xúc với tinh dịch được báo cáo là thúc đẩy sự phát triển và làm tổ của phôi.
Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đa trung tâm đã được tiến hành để xác định xem giao hợp trong giai đoạn trước khi chuyển phôi của một chu kỳ IVF có bất kỳ ảnh hưởng nào đến khả năng mang thai thành công hay không. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm giao hợp và nhóm kiêng giao hợp liên quan đến tỷ lệ mang thai (lần lượt là 23,6 và 21,2%), nhưng tỷ lệ phôi được chuyển có khả năng sống ở tuần thứ 6-8 cao hơn đáng kể ở những phụ nữ tiếp xúc với tinh dịch so với những phụ nữ đã kiêng.
Gần đây, một nghiên cứu về giao hợp trong chu kỳ IVF đã phát hiện ra rằng, các cặp vợ chồng giao hợp vào đêm trước khi chuyển phôi có tỷ lệ làm tổ và mang thai lâm sàng cao hơn trong chu kỳ chuyển phôi đông lạnh của họ so với những người kiêng cữ.
Tuy nhiên, khi quan hệ ở giai đoạn này, vợ chồng không nên sử dụng các loại gel hỗ trợ và vệ sinh sạch sẽ để tránh nguy cơ viêm nhiễm, nấm ngứa ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của phôi.
Bác sĩ thường khuyến cáo nên kiêng quan hệ tình dục sau chuyển phôi để tránh kích thích sự co bóp tử cung và giúp phôi làm tổ an toàn hơn. Ở giai đoạn này chị em nên chú ý nghỉ ngơi, giữ tâm trạng thoải mái, ăn uống đầy đủ chất và vận động nhẹ nhàng.
>> Xem thêm: 6 lưu ý sau chuyển phôi mà các cặp vợ chồng nên biết
Theo BSNT Đinh Thị Ngọc Ngân chia sẻ: “Mặc dù việc giao hợp có thể là một cách để đạt được sự thân mật nhưng đó không phải là cách duy nhất. Thay vào đó, sự thân mật tạo ra cảm giác gần gũi, gắn bó và kết nối tình cảm. Mọi người thường thể hiện và đón nhận sự thân mật theo những cách khác nhau. Đối với các cặp đôi, sự thân mật có thể bao gồm nhiều hành động và khoảnh khắc khác nhau, đôi khi chỉ là cái chạm môi, một vòng tay ôm, massage cho nhau, đi bộ cùng nhau, là thoải mái chia sẻ cảm xúc và vấn đề để cùng hiểu nhau hơn.”
Bác sĩ Ngọc Ngân khuyến khích bệnh nhân đừng đánh mất nhu cầu thân mật trong mối quan hệ của họ trong quá trình điều trị khả năng sinh sản. Giao hợp là một phần bình thường trong mối quan hệ của một cặp vợ chồng và bạn không nên xấu hổ khi nói chuyện với bác sĩ về việc quan hệ tình dục trong chu kỳ điều trị sinh sản.
“Thật khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng hiếm muộn và chấp nhận bước vào điều trị. Tôi không muốn bệnh nhân của mình hy sinh hoàn toàn mối quan hệ của họ,” Bác sĩ Ngân nói. “Tôi hiểu, khi họ dồn tài chính, tâm trí cho việc tìm con, bản năng của các cặp đôi luôn cố gắng để đạt kết quả tốt nhất là có con, vì vậy không ít trường hợp họ tự đặt mình trong tình trạng căng thẳng, luôn lo lắng không biết làm gì mới an toàn. Điểm mấu chốt là nên lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu bạn cảm thấy ổn cả về thể chất và tinh thần (và bác sĩ không đưa ra các khuyến nghị về kiêng quan hệ), bạn có thể thoải mái tận hưởng những điều này.”
Hy vọng những thông tin sẽ giúp ích phần nào trên hành trình tìm con yêu của các cặp vợ chồng.
TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH SẢN IVFTA