Chuyển phôi là quá trình không thể thiếu khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF. Thụ tinh trong ống nghiệm IVF được biết đến là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất hiện nay. Với IVF trứng và tinh trùng được kết hợp với nhau trong môi trường chuyên biệt để thụ tinh. Sau khi phôi được hình thành và phát triển, phôi sẽ được chuyển trở lại tử cung để làm tổ. Vậy quy trình chuyển phôi là gì, chuyển phôi diễn ra như thế nào? Bài viết sẽ hướng dẫn đầy đủ về chuyển phôi IVF cho bạn nhé!
Chuyển phôi là bước cuối cùng khi thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Trứng được lấy ra từ buồng trứng của người phụ nữ, được thụ tinh với tinh trùng trong môi trường đặc biệt tại phòng thí nghiệm và phát triển thành phôi. Sau khi phôi được hình thành, bác sĩ sẽ xác định thời điểm thích hợp để chuyển phôi vào buồng tử cung của người phụ nữ.
Theo các khuyến cáo về hỗ trợ sinh sản gần đây, không nên chuyển quá 3 phôi. Người ta đưa ra giả thuyết rằng việc chuyển nhiều phôi sẽ làm tăng cơ hội mang thai thành công vì ít nhất một phôi sẽ làm tổ thành công.
Trong nhiều trường hợp, nhiều phôi sẽ làm tổ đồng thời và dẫn đến việc mang đa thai, kéo theo sau đó là những biến chứng nguy hiểm của thai kỳ đa thai cho cả mẹ và thai nhi. May mắn thay, hiện nay, nhờ các kỹ thuật nuôi phôi, chọn phôi tiên tiến hơn đã xuất hiện nên ngày càng có nhiều cặp vợ chồng thực hiện phương pháp chuyển một phôi (SET).
Với những cặp vợ chồng hiếm muộn, phụ nữ mong muốn làm mẹ đơn thân đang trên hành trình thực hiện IVF thì cụm từ chuyển phôi không còn quá xa lạ. Chuyển phôi là một trong những bước không thể thiếu khi thực hiện IVF. Sau khi tạo được phôi thành công, người phụ nữ sẽ được chuẩn bị tốt về niêm mạc tử cung và thực hiện chuyển phôi vào buồng tử cung. Chuyển phôi là thủ thuật nhanh gọn, ít xâm lấn và không gây đau đớn… Tuy nhiên thủ thuật này cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tp.Hồ Chí Minh việc quản lý về vấn đề đa thai được thực hiện nghiêm ngặt. Vì vậy ekip tại IVFTA-HCMC luôn tối ưu trong việc nuôi phôi, tạo ra những phôi tốt và khuyến khích bệnh nhân chỉ chuyển một phôi để giảm tỷ lệ đa thai và ngăn biến chứng của tình trạng nay. Nhờ sự nghiêm ngắt trong quản lý, tỷ lệ đa thai tại IVFTA-HCMC luôn ở mức dưới 2%.
Khi chuyển phôi, bác sĩ thực hiện thủ thuật sẽ đặt một mỏ vịt vào âm đạo và siêu âm ổ bụng để quan sát đường đi của catheter – dụng cụ giúp chuyển phôi. Sau đó, chuyên viên phôi học sẽ chuyển phôi vào catheter và giao cho bác sĩ để tiến hành việc chuyển phôi vào buồng tử cung. Quá trình này diễn ra rất nhanh chóng, phôi sau khi được đưa vào buồng tử cung, các chuyên viên phôi học sẽ kiểm tra lại, xem tình trạng nhằm xác nhận đã chuyển phôi thành công. Bệnh nhân sau chuyển phôi có thể ra về ngay.
Việc thực hiện chuyển phôi có thể bao gồm chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi trữ (phôi đông lạnh). Tùy vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý của từng người phụ nữ bác sĩ sẽ có những khuyến nghị trong thực hiện chuyển phôi. Nếu bệnh nhân có nhiều phôi khỏe mạnh, có thể suy nghĩ đến việc trữ lạnh phôi để sử dụng sau này.
Khi chuyển phôi, chỉ có một hoặc hai phôi được chuyển, tùy vào độ tuổi, chất lượng phôi và số lần chuyển phôi trước đó để hạn chế tối đa nguy cơ đa thai sau điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Thời điểm chuyển phôi của mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự phát triển của nội mạc tử cung và tuổi phôi.
Trong quan niệm tự nhiên, sau khi trứng thụ tinh, phôi phải mất 4-5 ngày để di chuyển qua ống dẫn trứng để đến tử cung. Trong IVF, thay vì tinh trùng phải tự tìm đến trứng và thụ tinh thì phôi được tạo ở môi trường phòng thí nghiệm và sẽ được chuyển trực tiếp lại vào buồng tử cung để tăng khả năng mang thai và sinh con khỏe mạnh.
Tùy vào phương thức chuyển phôi tươi hay phôi đông lạnh mà có kế hoạch điều trị khác nhau. Trong trường hợp chuyển phôi tươi, việc chuyển phôi có thể được thực hiện từ ba đến sáu ngày sau khi lấy trứng, tương ứng với ngày báo kết quả phôi ngày 3 và ngày 5 hoặc ngày 6. Thời gian thay đổi tùy thuộc vào tuổi phôi được chuyển. Thử thai sẽ được thực hiện trong khoảng 11-13 ngày sau khi chuyển phôi.
Trong trường hợp chuyển phôi đông lạnh, tử cung được chuẩn bị trước tiên bắt đầu từ ngày 2 vòng kinh của chu kỳ khác và chỉ sau khi niêm mạc tử cung đủ dày thì phôi mới được chuyển. Vì vậy, việc này có thể mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, việc chuyển phôi trữ, bệnh nhân giảm nguy cơ quá kích buồng trứng, cũng như được chuẩn bị nội mạc tử cung một cách tối ưu hơn, đặc biệt là các bệnh nhân có các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, ống dẫn trứng ứ dịch… cũng như các trường hợp chuyển phôi thất bại nhiều lần.
Sự thành công của một chu kỳ IVF không đến từ việc người phụ nữ có thai hay không mà phụ thuộc vào việc mẹ có một thai kỳ an toàn và em bé được sinh ra khỏe mạnh và phát triển tốt. Rất nhiều cặp vợ chồng tìm đến gặp bác sĩ với mong muốn được chuyển nhiều phôi để tăng cơ hội thành công khi điều trị hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, việc chuyển nhiều phôi trong một chu kỳ liệu có thật sự làm tăng tỷ lệ thành công?
Theo một nghiên cứu của các chuyên gia ở đại học Y khoa Carver, bang Lowa (Mỹ) trên 49.330 bệnh nhân đang làm thụ tinh trong ống nghiệm từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015. Để so sánh tỷ lệ mang thai thành công ở 2 nhóm bệnh nhân là nhóm 1 những bệnh nhân chỉ chuyển 1 phôi và nhóm 2 là nhóm bệnh nhân chuyển cùng lúc 2 phôi trong một chu kỳ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở nhóm 1 tỷ lệ sinh con khỏe mạnh lên đến 74% cao hơn nhiều so với nhóm 2 là 57%. Bên cạnh đó, kết quả cũng chỉ ra, dù với chu kỳ chuyển phôi tươi hay chu kỳ chuyển phôi đông lạnh thì tỷ lệ trẻ sống ở nhóm bệnh nhân chuyển một phôi vẫn cao hơn so với nhóm bệnh nhân chuyển cùng lúc hai phôi.
Một nghiên cứu khác trên gần 1500 phôi được chuyển vào buồng tử cung người phụ nữ ở mọi lứa tuổi cho thấy, một phôi khỏe mạnh được chuyển cùng với một phôi có chất lượng kém hơn thì khả năng mang thai sẽ giảm 27%.
Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân chuyển trên 2 phôi cùng lúc ở một chu kỳ làm tăng tỷ lệ đa thai, tăng nguy cơ xảy ra biến chứng thai kỳ, trẻ sinh non, tăng tỷ lệ tử vong chu sinh. Hiện nay, ở các trung tâm Hỗ trợ sinh sản hiện đại, việc nuôi cấy phôi được đặt lên hàng đầu.
Riêng tại IVFTA-HCMC gần 100% ca bệnh chỉ chuyển một phôi với tỷ lệ thành công đạt gần 70% khi chuyển phôi ngày 5, với phôi được nuôi trong tủ nuôi phôi timelapse, có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và sinh thiết phôi tiền làm tổ đánh giá di truyền không có bất thường. Chính vì vậy, với những thông tin cung cấp ở trên và thực tế lâm sàng tại trung tâm, chúng tôi mong muốn quý bệnh nhân không cần quá lo lắng về vấn đề này khi bác sĩ chỉ định chuyển 1 phôi.
Khi bước chân vào hành trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, các cặp vợ chồng đã trao gửi hết vào đây không chỉ là tài chính mà hơn hết là niềm tin, hy vọng và họ mong muốn nghe được những kết quả tích cực. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để cải thiện cơ hội chuyển phôi IVF thành công.
Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để có con có thể là một hành trình dài, vì vậy với những cặp vợ chồng hiếm muộn đang tìm hiểu thông tin về IVF và chuyển phôi nên được tư vấn bởi những bác sĩ chuyên về Hỗ trợ sinh sản giàu kinh nghiệm để được tư vấn, hướng dẫn thăm khám và có những chuẩn bị tốt nhất trên hành trình này.
TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH SẢN IVFTA